Bình Liêu mùa cơm mới

     Cứ mỗi độ tháng mười âm lịch, khi tiết trời se se lạnh, những thửa ruộng bậc thang nhuộm màu vàng óng của lúa chín được thu hái xong, người Bình Liêu lại nô nức, rộn ràng với lễ cơm mới. Một lễ tết mừng thóc lúa mới, lễ cảm tạ trời đất mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, là một nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Theo phong tục xa xưa, lễ tết cơm mới bắt đầu từ ngày 10 tháng 10 âm lịch. Kể từ ngày này cho đến hết tháng 10, các thôn, bản chính thức bước vào mùa lễ mừng cơm mới, không khí vui tươi, rộn ràng, hương lúa mới hòa quyện với hương rượu khắp nơi… Lễ mừng cơm mới diễn ra vào cuối năm, không khí rộn ràng trong tiết trời giao mùa, là lúc bà con dân bản thu hoạch thóc lúa, ngô, khoai. Mừng cơm mới với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động, là lễ cảm tạ trời đất, ông bà tổ tiên, cầu mong cho gia đình, dân bản no ấm, khỏe mạnh.

 
Mâm cỗ của đồng bào Bình Liêu
 trong “Mùa cơm mới”.

Lễ mừng cơm mới là một nghi lễ quan trọng trong mỗi gia đình người Bình Liêu. Gia đình nào tổ chức lễ to là năm ấy được mùa. Điều đặc biệt và khác hẳn so với các vùng khác, “cơm mới” là món xôi gừng. Màu xanh của gừng tượng trưng cho sự xanh tươi, mỡ màng của lúa ngô, ước muốn của bản làng về một mùa màng bội thu. Xôi được làm bằng lúa nếp mới vừa thu hoạch còn phảng phất vị thơm của nắng giòn. Gừng nhặt lá, giã lấy nước đổ vào xôi và cho lên hâm nóng. Xôi gừng ăn nóng vừa dẻo lại có vị thơm của gừng, ăn vào thấy trong người ấm áp. Mâm cỗ cúng tổ tiên gồm bát xôi gừng, con gà luộc, rượu… Nghi lễ cúng do người chủ gia đình chủ trì. Nội dung thông báo với tổ tiên kết quả của một năm sản xuất, những thuận lợi và khó khăn, lời cảm tạ tới ông bà tổ tiên, các vị thần thánh và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ cho những vụ mùa tiếp theo. Sau lễ cúng là bữa tiệc mừng được mùa. Mâm cỗ gồm có thịt gà, cá và các món ăn truyền thống, các món “khau nhục”, “nằm quắt”, đậu phụ được chế biến cầu kỳ, ngon và có mùi vị hấp dẫn. Lễ hội là ngày vui của gia đình, của dân bản, là nơi sinh họat, quây quần, quần tụ gia đình, làng xóm cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thắt chặt mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm. Hương gạo mới hòa quyện với hương rượu làm ngây ngất lòng người.

Lễ mừng “cơm mới” thể hiện một tín ngưỡng, nghi lễ nông nghiệp tốt đẹp của người Bình Liêu, năm nay người Bình Liêu lại đang bắt đầu bước vào “mùa cơm mới”. Và dường như mùa cơm mới năm nay các thôn, xóm trở nên rộn ràng hơn vì một mùa màng bội thu, vì tất cả bắt đầu từ ước muốn bình dị là một cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
                                                                                                 Theo Báo Quảng Ninh